LỜI THƠ PHẬT ĐẠO – TẬP 2

NAM MÔ ĐÔNG ĐỘ HIỆN GIÁC DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG NHƯ LAI

NAM MÔ VÔ THƯỢNG TÔN PHẬT

NAM MÔ HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT

NAM MÔ HIỆN THÂN TĂNG CHỦ TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN

LỜI THƠ PHẬT ĐẠO

TẬP II

 

 

– Để mở đầu cho cuộn băng Thơ Thứ II của ĐỨC TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN, TĂNG CHỦ PHÁP TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM, chúng tôi xin phép được tuyên Bài Kệ

 

TỊNH VƯƠNG GIÁC NGUYÊN.

TỊNH ĐỘ đồng xây Đông với Tây.

VƯƠNG TÔN trực chỉ PHÁP THÂN đây.

GIÁC mê Mê Giác đôi vang tiếng.

NGUYÊN THỂ vô như PHẬT đó đây.

 

 

Đương thời Hạ Lai, CHỈNH TRANG PHẬT ĐẠO và TẬN ĐỘ HẠ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, vì đó là đường lối mới lạ gắn liền ĐẠO và ĐỜI. Người tu TẠI GIA sống có gia đình vẫn GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT tuyệt mỹ, gọi là PHÁP ĐỘ THỜI ĐÔNG ĐỘ để ĐỒNG HOÁ NHÂN SINH.

 

 

BÀI THƠ..

TẬN ĐỘ HẠ LAI

Tất cả diễn hành trỗi khúc ca,

An nhiên Tịch Tịnh Phổ Di Đà.

Nhìn sang Tây Độ hương thanh thoát,

Ngó đến Đông Phương nhánh trổ hoa.

Cực điểm kỳ công xây Chánh Pháp.

Đương  lai sanh hạ mỗi mình Ta.

Mấy ai đã hiểu Đông Tây diễn,

Một khúc Sơn Ca, vạn lối Hòa.

Ý nghĩa thâm sâu khó hiểu sâu,

Tận dùng Hạnh Nguyện thoát mong cầu.

Giữa thời Đông Độ  hòa Tây Độ,

Chỉ một cành hoa tát biển sâu./.

 

 

Với niềm hân hoan mừng Ngày Kỷ Niệm Đản Sanh 24/12 của Đức TỊNH VƯƠNG, chúng tôi thường về quây quần bên Ngài trong ánh sáng TRÍ TUỆ và niềm an vui Giải Thoát. Ngài bình dị nhìn chúng tôi, nét mặt in tuồng bày tỏ nỗi niềm Tâm cảm…

 

 

Bài THƠ:

GỢI TÌNH NĂM ẤY

Ngồi đây TÔI kể chuyện ngày xưa,

Năm ấy Đông đi, Xuân đến vừa.

Mây gió thanh bình, sông sóng lặng.

Cúc vàng, Lan trắng, đẹp sương mưa.

Năm bốn năm qua. . . tết những gì?

Nhà nhà sơn trắng, dựng Nêu Quy,

Có câu Liễn đỏ hai bên cửa,

Có pháo huy hoàng, sự chứng tri.

Giữa lúc ấy, kẻ đi người lại,

Mua sắm đồ cầu vái Chư Thiên.

Huyền linh chung khắp các miền,

Thật hư, hư thật, bởi duyên THANH BÌNH.

Cũng ngày HAI BỐN VIÊN MINH,

Cũng trong tháng CHẠP một mình TA thôi.

Phất phơ trên Đảnh mây trời,

Hạ Lai lời hứa, giữa thời HẠ NGUYÊN.

Ta có nói cũng lời dư dả,

Ngày hôm nay hồn thả như nhiên.

Để cho mặc thế vẹn tuyền,

Của NHƯ LAI DỤNG, một phen diễn tuồng.

THIỆN. Chân Tử là nguồn an ủi,

PHÁP TẠNG nầy, chung tuổi ấm êm,

Miễn sao dưới mái gương thềm (mái chùa)

Chung vui TOÀN GIÁC, nỗi niềm TA mong./.

 

 

THƯỢNG HẠ hòa An Hảo.

SUY TÔN khai ĐẠO TRÀNG.

NHẤT NGÔN TRI KIẾN PHẬT.

Hoàn tất GIẢI THOÁT MÔN.

 

Phải chăng đó là Tuyên Ngôn của ĐỨC TĂNG CHỦ muốn nhắc nhỡ chúng tôi trong bài:

 

 

TÌNH THI SINH NHẬT

Từ thuở ngàn xưa, nay gặp đây,

Rằng Nhân Duyên trước đã cao dày,

Chung vui an hợp Thời Sinh Nhật,

Giảng giải đưa qua thoát mộng này.

Tôi nhìn Chân Tử hợp hòa vui,

Trổi khúc Âu Ca chẳng sụt sùi,

Say đạo rồi đây cùng Tỏ Đạo,

Vui Tình Duy Nhất thuận giòng xuôi.

Hôm nay Hai Bốn tháng Mười Hai,

Vì Nguyện cùng ai xây Phật Đài,

Để rõ mối giềng nghiêm chỉnh pháp,

Tốn từ Duy Nhất một không hai.

Tôi vui, vui sẵn Nguyên Đài,

Các ông nung chí miệt mài Chân Tôn.

Ngày mai đến chốn trường tồn,

Hợp Tam Thế hợp Nhất Ngôn song đồng.

Hay là lãnh Pháp Chân Không,

Hạnh Nguyền, Nguyền Hạnh, tỏ thông mối giềng.

Gặp nhau buổi lễ giao duyên,

Cũng ngày Hai Bốn lời nguyền năm xưa.

Dù cho lời nói sớm trưa,

Đều là Bảo Pháp quyết đưa trao người.

Ngày nay chính buổi vui tươi,

Tôi ông hợp nhất tốn từ Phật Tôn./. 

 

 

Vi diệu thay! Bậc Đạo Sư đã khai hoang cho Nhân Sinh còn đường Chân Lý Thực Tiễn, đã ban cho Tứ Chúng niềm vui và lẽ sống. Ngài gần gũi dìu dắt từng Chân Tử đi đúng với long mạch của Chư Phật Tâm tình bất diệt của Ngài đới với Tứ Chúng được thể hiện qua bài:

 

 

CẢM THI SINH NHẬT. 24.12

Tiếp theo

Đông trả về Đông, Xuân sắp sang,

Chuyện Đời hay Đạo vẫn lai hoàn,

Đương nhiên mạt pháp kia vừa dứt,

Thời Chánh liền ra tiếp vẻ vang.

Lời nói ấy trăm ngàn chân thật,

Ngồi nơi đây phảng phất hương thơm,

Sum vầy TẠNG kết hoa hờn,

Mê lầm tan dẹp, Giác hoàn Chân Nguyên.

Tôi đã đến, bao lần Tôi đã đến,

Cùng anh em thân mến vuốt ve,

Từ nghìn xưa nay vẫn cận kề,

Bao phen giải chấp, tỉ tê phơi bày.

Ngày nay cũng một ngày nay,

Mấy ai có biết có hay là gì?

Đương Lai sanh hạ Cố Tri,

Vui chung chung hưởng trọn ngày Hiện sinh.

Hôm nay Hai Bốn tháng Mười Hai,

Tôi nói lời Thơ chẳng ái hoài,

Phật Thánh an vui niềm diễn ảo,

Phàm phu mong đợi ánh Như Lai.

Nôm na Tam Thế xây hương khói,

Nhộn nhịp Tứ Tăng cố miệt mài,

Nào hẳn Đến Đi, đâu có đặng?

Chung qui Tin Trọn, Đắc Hoàn Lai.

 

 

Cứ mỗi thời, có mỗi Bậc Hiện Thân, tùy theo thời mà Chỉ Đạo, tùy theo căn cơ của Chân Tử mà dìu dắt, dùng đủ phương tiện cứu cánh, song bậc tu mấy ai trọn lãnh nổi. Nhưng những Bảo Pháp ấy đâu có mất, nó đi vào không gian đến thời gian, các Chân Tử gia công tu tập đầy đủ Công Năng liền Trực Ngộ, mới hay rằng: chính mình đã gặp Phật hoặc Bồ Tát thì muôn sự cũng đã an bài

 

 

QUÝ THAY! ĐẠO PHẬT

BẢO PHÁP BẤT DIỆT

Khá khen vạn pháp diễn tuồng,

Dù lời Kinh Điển vẫn luồng Không Gian.

Thế rồi cũng một thời gian,

Nương nhờ Kinh Điển mở màng Vô Minh.

Mới hay Diệu Pháp lộ trình,

Của Như Lai Dụng không hình Giác Nguyên./.

 

 

Thế nào là Tu Chứng?

Thế nào là Chứng Tu?

 

 

Mời các Phật Tử lắng nghe bài:

TU CHỨNG

Tu Chứng là Không Chứng.

Cũng Chứng tại Thế Gian.

Cũng hoàn toàn Quốc Phật.

Tu Chứng bị Chứng Tu.

Có Tu mới có Chứng.

Không Chứng cũng Không Tu.

Không không không đâu cả.

Khắp khắp đã sẵn sàng.

Thêm. Chi cho bận rộn.

Bớt. Chỉ Chứng mơ màng./.

 

 

Bồ Tát mong cầu Diệu Quả, hãy tạo Công Đức, hãy thi hành Hạnh Nguyện, nương theo Diệu Dụng Trọn Nguyện mà Chánh Giác.

Để khích lệ đường tu, Đức Ngài đã Khai Thị

 

 

Sông sâu Ta vẫn cồ chèo,

Núi cao rừng thẳm, ngặt nghèo phải qua.

Bồ Tát cho đến Phật Đà,

Chung cùng một ngõ, trải qua một đường.

Dù cho vạn nẻo muôn phương,

Bản Năng Trực Giác. Chân Thường Giác Chân./.

 

 

Con người đang hưởng mùa Xuân, lại mơ đến mùa Hạ, đang ở mùa Hạ lại chờ đến mùa Thu, đang sống mùa Thu lại hoài vọng mùa Đông, cứ thế xoay vần không một giờ phút nào được sống trọn vẹn với thực tại. Luôn luôn khổ sở khóc than hối tiếc quá khứ, hoài vọng Tương Lai.

 

 

Bài Thơ:

HOÀI VỌNG

Mùa XUÂN tôi mến nắng chang chang,

HẠ đến tôi mơ gió dịu dàng.

THU lại mong chờ mưa nước đọng,

ĐÔNG về tôi nhớ cảnh Xuân sang.

Cứ thế vần xây mãi đón mong,

Làm người đâu khác giống Tơ Tằm,

Xuân về trông Hạ, chờ Thu đến,

Mãn kiếp tàn Đông lại khóc than.

Nếu biết chính Ta sống vẻ vang,

Ngày. .Ngày. .năm tháng nhịp nhàng khoan,

Hôm nay Ta hưởng ngày vui sống,

Trọn kiếp thung dung khỏi ngỡ ngàng./.

 

Chỉ có bậc tìm Chơn Tánh để tu mới biết sống ung dung tận hưởng Chân Lý Thực Tiễn của hiện tại. Còn những chiếc lá lay trong quá khứ và tương lai có ích lợi gì.

 

 

Bài thơ:

DẸP LÁ LAY

Khổ, sướng nghìn xưa cho đến nay,

Biết nơi cái sướng khỏi châu mày.

Đời là muôn thế về như thế,

Nghe nói những gì ta thả bay.

Nếu biết rằng nay của bữa nay,

Thì đời vui vẻ đẹp cao dày.

Ai đem cái sướng cho ta sướng,

Thư thả muôn chiều dẹp lá lay./.

 

 

Chân Lý Thực Tiễn hiện tại của hiện tại là Pháp Độ Đồng Độ của Đức Đông Độ hiện Giác Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Cõi Hiện Giác nầy lẽ nào lại vắng vẻ bậc Tri Âm đến nỗi Đức Tịnh Vương phải Ái Hoài trong ngày Đại Lễ 30 tháng 9.

 

 

Bài thơ:

ÁI HOÀI

Hôm nay Đại Lễ Dược Sư,

Ba mươi tháng chín chứng từ Pháp thân.

Vài Tín Chúng xếp chân qùi gối,

Một Nhà Sư thầm trối hương đăng,

Tượng Chí Tôn chẳng nói không năng,

Hương trầm tỏa bay giăng đất Thánh.

Ngoài cổng chùa chung quanh vắng lạnh,

Có đôi con chó nhỏ chạy lung lăng.

Cảnh nầy ai thấu chăng ai ?

Vắng bóng Chư Tăng dạ ái hoài,

Mật cảm trầm tư hồn viễn xứ,

Diễn tuồng Hạ Kiếp đến Hoàn Lai./.

 

 

Chân Lý Thực Tiễn vốn sẵn khắp nơi, có Tu mới có Chứng. Bậc không tu thì làm gì có chứng, nên phải chịu kiếp đọa đày theo Luân Hồi Sinh Tử. Còn Bậc biết thực hành theo con đường Chân Lý hiện tại tu hành đưa vạn pháp về với Tâm, Tịnh Tâm hóa giải không hai liền trực ngộ.

 

 

Bài thơ:

GỞI ĐẾN TỨ CHÚNG

Quả đất vòng quanh, vẫn gặp nhau,

Tình chung cao đẹp, nghĩa sâu dày,

Thể Chân tuy sẵn, Tâm chưa chỉnh,

Trọn kiếp Thiên Thu, sống đọa đày.

Rồi đây nhìn rõ trắng đen,

Tấm tuồng Chân Giác, không đèn sáng trưng.

Nhớ nhau Tâm Ý ngập ngừng,

Ngày mai rạng rỡ tưng bừng Hoa Sen./.

 

 

Bậc Thánh Tăng tu sao không ngoài nâng Chủ Tánh bao dung thành Đức Tánh và Tu Đạt Mười Danh Hiệu toàn mỹ của Chư Phật trọn lành Giác Ngộ. Phải chăng khi viên dung Chánh Giác, Vãng Hồi Bát Đại mới hay rằng…

 

 

ĐƯỜNG VỀ

Đường về chốn cũ chẳng còn xa,
Hai bốn triệu năm vắng bóng nhà.

Khoác áo Vân Điền, khai Nhật Nguyệt,

Ban hành Ấn Chỉ, khải hoàn ca.

Đã từng diễn hóa Tam Thiên Giới,

Nào vướng non sông, chẳng nợ nhà.

Dạo khắp đó đây Sinh Chúng hướng,

Phục hồi Bát Đại. Ta với Ta./.

 

 

Với Tình Duy Nhất Cao Đẹp, Ngài nguyện gánh chịu tất cả nghiệp lực chúng sinh, quyết đưa Đạo vào Đời sống Nhân Gian, mang nhựa sống đến cho từng con người, từng gia đình để sưởi ấm Nhân Sinh.

 

 

Lá chen lều lá cảnh xinh xinh,

Ngày đến, năm đi chuyến lộ trình,

Hai mái duyên lành che nắng gió, 

Một vùng rừng trải đội trời xanh,

TA TUYÊN BẢO PHÁP toàn dân thỉnh,

Về với GIA TRUNG mỗi một mình,

CHÍ NGUYỆN khai thông đời sống ĐẠO,

Tâm tình thắc thẻo, tấm lòng xinh.

 

 

… Hay thay ứng hiện khắp trùng dương, Trực hiện Hiện là môn Pháp cúng dường, Cảm Hóa Hiện hành thu nhiếp hiện, Thật hành tận hiện thấu khôn phương, những câu thơ trong bài

 

 

TỨ HIỆN

Có một buổi Trời êm gió mát,

Trước sân Chùa rải rác hoa đơm,

Vài ba chú Tiểu lom khom giởn,

Sư Cụ ngồi yên diễn đạo Thiền.

Hay thay! Ứng Hiện khắp trùng dương,

Trực Hiện là môn Pháp cúng dường,

Cảm Hóa Hiện hành thu nhiếp hiện,

Thật hành Tận Hiện. Thấu muôn phương!

 

 

Tôi nghèo cháy túi chẳng tiền nong, biết hỏi ai đây chỉ hỏi lòng, Giác Ngộ tưởng đâu giàu bởn lắm, Mê lầm mòn mỏi ngóng chờ trông, Tam Nguyên thường diễn tuồng mong Phật, Tứ Thánh dệt thành dạ trắng trong, Thử nhắn mười phương phương có thấu, Đương Lai đồng hóa trọn Chân Tôn.

 

 

Đó là bài thơ:

TÔI NGHÈO

Tôi nghèo cháy túi chẳng tiền nong,

Biết hỏi ai đây chỉ hỏi lòng.

Giác Ngộ tưởng đâu giàu bởn lắm,

Mê lầm mòn mỏi ngóng chờ mong.

Tam Nguyên thường diễn tuồng mong Phật,

Tứ Thánh dệt thành dạ trắng trong.

Thử nhắn mười phương, phương có thấu,

Đương Lai đồng hóa trọn Chân Tôn./.

 

 

Chẳng Trung ba tấm ghép nên hình, Tiếng phản nhưng lòng vốn trắng trinh, Rằng gõ thân bền đưa mặt láng, Muốn chà hay lết vốn làm thinh, một mai nước lỡ dâng tràn ngập, Ba mành nghinh ngang cứu độ bình, Già trẻ các loài đây ghé bến, Chẳng cầu mồm mép chẳng cầu Vinh.

 

 

Bài thơ:

VỊNH TẤM PHẢN GÕ

Chẳng TRUNG ba tấm ghép nên hình,

Tiếng PHẢN nhưng mình vốn Trắng Trinh,

Cốt GÕ thân bền đưa mặt láng,

Kẻ chà người lết vẫn làm thinh,

Một mai nước lở, dâng tràn ngập,

Ba mảnh nghinh ngang cứu độ bình,

Già trẻ các loài đây ghé bến,

Chẳng cầu mồm mép, chẳng cầu vinh.  

 

 

Tiếp theo là phần Lưu Bút của Đức Tăng Chủ Tịnh Vương trong Bảo Phẩm NHƯ LAI THIỀN…

 

Thiên Phương ĐÂU SUẤT nhập,

Hạ Lai có hay không?

Đời Đạo gánh song đồng,

Nhân Sinh ghi nhận kỹ,

TA nào quái ngại chi,

Thời Lai ghi Bút ký.

 

 

Cụ Tú thời xưa thưởng thức trà, vợ già chạy gạo rát lưng da, Tháng qua năm đến lòng tin ái, mong đợi trường thi đậu Thủ Khoa…

 

Những câu đầu trong bài thơ

HỒI CẢM chuyện ÔNG TÚ

Cụ Tú thời xưa thưởng thức trà,

Vợ già chạy gạo rát lưng da,

Tháng qua năm đến lòng tin ái,

Mong đợi trường thi đậu thủ khoa.

Cụ Tú thời nay vẫn thích trà,

Suốt năm hàng tháng tưởng ba hoa,

Vợ gìa khô mặt lòng xao xuyến,

Chán nản vợ chồng chẳng nói ra.

Hồi cảm thời xưa với buổi nay,

Tách trà chung rượu một niềm say,

Thế tình nhân thế hai ông Tú,

Nợ nước non nhà quá đắng cay.

Trà nhạt hồn say, hương chẳng say,

Rượu phai men hết, bớt châu mày,

Vẫn còn thi vịnh, trên đầu gió,

Mây thoảng tình Ta, tỉnh với say.

Lúc tỉnh lơ mơ dẹp tưởng lòng,

Nhìn về thực tế sống long đong,

Lo từng hột thóc hòa dưa muối,

Tạm gác chung trà tách rượu trong./.

 

 

Đối với Mẹ, Ngài là một bậc luôn tròn Đạo Hiếu. Bài Má Tôi sau đây nói lên Tâm Tình của Ngài đối với Bậc Sanh Thành…

 

 

MÁ TÔI

Má tôi đang đảm cả chồng con,

Tóc bạc đầu xanh chịu mỏi mòn,

Buổi sáng lo tiền chồng có bệnh,

Canh chiều chạy gạo trẻ đòi cơm,

Trọn tình làm mẹ thương con bé,

Vẹn nghĩa cùng cha sánh nước non,

Sao má ra đời chi khổ thế?

Một chồng thêm gánh bảy người con ./.

 

 

Chư Phật cũng như chúng sanh không khác, đều có cùng một nỗi niềm ray rức trong giờ phút thiêng liêng, giữa sự sống tạm bợ và sự ra đi của Bậc Sanh Thành.

 

 

Ngài đã Độ Mẹ về Cõi Trời Tịnh Thiên Vương, qua bời thơ…

CON KÍNH BÁI GIỜ HẤP HỐI

Má hấp hối, con theo từng hơi thở .

Hiện tình nầy, hồn Má ở nơi đâu ?

Con lấp ngăn tất cả mạch vương sầu.

Đưa hồn Má về yên nơi Tịnh Quốc.

Nơi giao cảm tinh thần con bất khuất

Ơn Má con vạn bậc khó so dây

Nghĩa bao la, tình Má rất cao dày

Con chẳng biết nói sao đây hở Má.

Con còn nhớ, Má nhìn con trìu mến

Nở nụ cười nhắc nhở cuộc chia đôi

Má ước mơ, mơ ước nói nên lời

Lòng mong đợi hòa bình, ngày tái hợp.

Con bàng hoàng, lòng ngàn sao chớp

Mắt nhìn mây, mây cợt thời gian

Sự hoài mơ, má dệt mộng vàng

Xin báo biệt, hẹn mai Con đến.

Bước chân đi tựa đò không bến

Lòng nghĩ suy số mệnh hai phương

Biết hận ai, hận tất cả thói thường

Đương lúc ấy, thái dương vừa ngã bóng.

Con chợt tỉnh, hấp hối kia sắp lặng

Từng cơn cơn, bặt hẵn trả không gian

Chín tuần mây đón má rỡ ràng

Con kính bái siêu sanh về Tịnh Quốc./.

 

 

Còn đối với các con, Ngài là một người cha luôn làm tròn Bổn Phận và trách nhiệm, không có một kẻ hở nào có thể chê trách được.

 

 

Bài thơ:

BA GỞI CHO CON

Nhiều lúc Ba ngồi định chép Thi,

Gởi Con chỉ sợ chạnh sầu bi,

Lòng thương, thương nhớ vô cùng tận.

Có nói ra đây chẳng ích gì.

Ba vẫn bình yên với tuổi già,

Cơm ngày hai bữa nhớ phương xa,

Lòng mong Con khoẻ, an vui vẻ,

Dù sống đơn sơ, vẫn đượm đà.

Lắm lúc nằm đêm với giấc mơ,

Gặp Con đứa bé quá còn thơ,

Đang cười pha lẫn đôi mi nhớ,

Nhìn bóng lơ mơ sống lặng lờ.                         

Vẫn biết rằng Con đang nhớ Ba,

Nhưng vì chung sống chốn phương xa,

Bơ vơ lạ cảnh chưa bờ bến,

Đông chắc Xuân sang sắp có nhà.

Ba nguyện trời mây, vái nước non,

Công Ba tạo Đức, giúp cho Con,

Sớm vui khoẻ trí, đầy thong thả,

Cảnh Thuận tương lai, khỏi méo tròn./.

 

 

Đối với các Chân Phật Tử, Ngài không quên một ai. Nhớ đến Chân Tử ở phương xa, Ngài Cảm Thán!

 

 

Nhìn ảnh của con gợi mạch sầu

Mối tình hai cảnh bận lo âu,

Cháu đi Tây Trúc, lòng thương nhớ,

Bác ở Đông Thiên, luống bạc đầu,

Mai một gió hòa, mưa nắng thuận,

Vuông tròn tái hợp, cạnh bên nhau,

Hồn Thi mặt giấy buồn man mác….

Trọn tấm lòng trong, vẹn trước sau./.

 

 

Giữa Thời Hạ Lai Lạc Pháp, Đức Tịnh Vương Nhất Tôn y theo Tôn Chỉ Nhất Tôn Pháp Tạng của Tam Thế Phật, thành lập Nhân Thiên Hạnh, lấy Đạo Đời hợp nhất, lần đưa Xuất Thế Pháp Môn, dụng Sắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp không mắc miếu ô nhiễm, tự tại vô ngại đến Đại Bi Tri Kiến Giải Thoát.

Với mục đích đó, Ngài ngỏ lời với các Chân Phật Tử…

 

 

LỘ TRÌNH

Hỡi Chân Phật Tử!

Người ơi! Suy nghĩ thế nào?

Ta đem Thiện Mỹ đặt vào Thiện Minh.

Phải chăng Bổn Nguyện lộ trình ?

Dụng lưu Bảo Pháp, duyên trinh vãng hồi.

Ta thường tỏ lắm khúc nôi,

Miễn sao Hoàn Giác, sao ngồi điểm câu.

Ta cùng xây lại nhịp cầu,

Đừng vương so tính, cạn sâu đo lường.

Chính mình tự cản muôn phương,

Để Ta gánh chịu nhiều đường đón đưa.

Dù sao chung kết Tam Thừa,

Gom về duy nhất để vừa Thích Tôn.

Đó là lời hẹn bảo tồn,

Lời Nguyền trong ấy vẫn còn trong Ta.

Nay Ta kêu gọi gần xa,

Thiên Nhân chung Thế, cùng Ta hương Nguyền.

Lời nầy lời nói Tròn Duyên,

Hởi Chân Phật Tử vẹn tuyền cùng Ta./.

 

 

Pháp Nhân Duyên là một Pháp mà Chư Bồ Tát thảy đều nương theo đó để Độ Sinh và đón chúng sanh vào Tri Kiến. Nếu chẳng có Nhân Duyên thì dù có Phật hiện tiền cũng không thể độ đặng. Vì sao? Vì Phật Bất hóa độ Vô duyên. Bất hóa độ định Nghiệp

So như vậy đủ biết Nhân Duyên rất cần cho sự Tu Chứng.

 

 

Bài thơ:

NHÂN DUYÊN

Nhân Duyên liên kết rõ ràng,

Gieo nhân hiền Đức, duyên đàng hoàn vui.

Bạn bè kính mến ngụt ngùi,

Gặp Thiện Tri Thức dưỡng nuôi tu hành.

Tạo nhân độc ác gian manh,

Duyên thành đói khổ, chạy quanh ngặt nghèo.

Càng làm, càng đến chỗ eo,

Lâm chung thọ báo, bị treo ngục hình.

Nhân Duyên Pháp rất phân minh,

Thung dung chẳng đoạn, lộ trình Phật Tôn.

Khuyên ai: tu khéo trường tồn,

Từ Phàm đến Thánh, chung gồm nhân duyên.

Trước sau Chân Tử vẹn tuyền,

Như Lai Tam Thế lời nguyền giúp cho.

Ấy là chính tạo thuyền đò,

Cứu mình cứu cả kẻ dò Tâm Nguyên.

Phật rằng chẳng độ vô duyên,

Không độ đinh nghiệp, đoạn nguyện Thế Tôn.

Hiện Phật ngăn kẻ vong tồn,

Chỉ chờ Địa Tạng cứu hồn, gây duyên.

Pháp Tạng lời thật chỉ truyền,

Nên ghi nhớ lấy: nhân duyên khải hoàn.

Nhân duyên khéo trọn vẻ vang,

Pháp Đàn Bảo Phật, cúng dàng Nhân Duyên./.

 

 

Tất cả chúng sanh vốn nguyên Một Thể đồng với Chư Phật mười phương chẳng sai khác, nhưng chỉ vì chấp nhận Pháp Ngã là Tự Tánh cho là mình, trở thành Danh Ngã Tướng Ngã, gọi là Hữu Ngã nên trôi dạt Sanh Tử Luân Hồi. Phật thời Vô Ngã đề huề, Chúng sanh Hữu Ngã nên tê tái lòng…

 

 

Bài thơ:

VÔ NGÃ

Vô Ngã chính pháp Không Ta,

Nhất Nguyên sẵn vẹn, đơm hoa khắp tràn.

Thường Còn vốn lại Thường An,

Chẳng thêm không bớt, một đàng Phật Tôn.

Bởi vì hữu Ngã bị tồn,

Lại thêm Danh Tướng, chỉ dồn bờ mê.

Phật thời Vô Ngã đề huề,

Chúng sanh Hữu Ngã nên tê tái lòng.

Chân Tử lià Ngã là xong,

Trọn tình Chư Phật, vẹn lòng Nhất Nguyên./.

 

 

Chư Phật Thị Hiện ra đời đều dạy cho Nhân Sanh được Tu, nhưng nào ai biết được rằng lúc nào mình được tu?

 

 

LÚC NÀO ĐƯỢC TU

Bậc tu cần hiểu đặng đường tu,

Hoá giải vô minh thoát khỏi mù,

Bằng giữ Tín Tâm chưa rõ lối,

Trăm năm vạn kiếp chịu thiên thu.

Gặp lúc được tu Ta chẳng tu,

Tâm hằng phân tách Dại, Khôn, ngu,

Đương nhiên dị biệt, lòng đen tối,

Dù niệm Phật hoài, chính chưa tu.

Biết tu gặp cảnh trái ngang

Lòng an nhiên tỉnh, chính đàng đương tu.

Gặp khi gai mắt trái lời,

Tâm không oán tức, tức thời được tu.

Biết tu xem xét nghiệp mình,

Trước sau hối cải, là mình đang tu.

 Bậc tu, chớ vọng sâu xa,

 Quán nơi gia cảnh trong nhà để tu.

Người ơi! Tu cốt lai hoàn

Chớ nào có phải tu mang giận hờn ?

Người ơi! Tu cốt tỏ chân ( chân lý )

Chớ nào có phải tu cần vinh hoa ?

Người ơi! Tu cốt Tâm hòa

Tạo nền Đức Trí mới là chính tông./.

 

 

ĐỨC TRÍ TƯƠNG SONG. CHÂN NGUYÊN TRỰC GIÁC.

 

Con đường Tu Phật duy nhất có Phật Thừa, chung gồm Đạo Đức cùng Trí Tuệ. Bậc tu cần phải có Thành Thật Tâm, Thiết Tha Tâm, Thù Thắng Tâm mới ổn định đặng con đường Tri Kiến Giải Thoát. Nhưng tại sao sự tu hành của nhiều Bậc lại không có kết quả. Câu hỏi đó được trả lời trong

 

Bài thơ:

TẠI SAO?

Tại sao hiểu biết chưa đồng?

Vì rằng Ý Thức đục trong cân lường.

Tại sao nghi chấp vấn vương?

Vì rằng kém Dũng, lòng thường lợi riêng.

Tại  sao sáng tối triền miên?

Vì rằng chưa rõ, chưa yên bến bờ.

Nên chi dục vọng vẩn vơ,

Mong hoàn Bản Giác làm mờ Chân Nguyên.

Đến đây phải tu Hạnh Nguyền,

Hành Thâm Pháp Giới, Tròn Duyên Tứ Thừa.

Tại sao uể oải sớm trưa ?

Vì nghe Giáo lý chẳng vừa vọng tham.

Đương nhiên Nghiệp Thức đón đàng,

Cản ngăn biếng trễ, Tâm phàm đắn đo.

Tại sao Bát Nhã không đò?

Như Trí suốt suốt khỏi lo luân hồi.

Tại sao tiến thoái kéo lôi?

Vì rằng chưa nhận được lời Thầy răn.

Tại sao suy tính lăng nhăng ?

Vì rằng Đạo Hạnh khó khăn chưa hành.

Tại sao Trí quẩn cùng quanh ?

Vì rằng Tà Kiến, chấp thành ngẩn ngơ.

Lìa Tự Giác, Tánh mật mờ,

Nghĩ suy ảo tưởng, mong chờ Thần Thông.

Đương nhiên Đức Trí viển vông,

Tự sinh chán nản như lòng nói trên.

KHUYÊN AI NUNG CHÍ VỮNG BỀN,

HẠNH NGUYỆN TRÒN GIÁC, DỰNG NÊN PHẬT ĐÀI./.

 

 

Để đạt mục đích Tri Kiến Giải Thoát, bậc tu cần lập Thiện Căn để tạo lấy Đạo Đức, Nghe Giáo Lý và tu tập Tọa Thiền. Đó là con đường…

 

 

TRUNG ĐẠO

Tu Thiền để giải cái Tham

Chịu khó nghe Pháp, chịu làm giải Sân.

Tham Sân tiêu giải sai lầm,

Si mê tan dẹp, tỏ ngần Chân Nguyên.

Người ơi! Chu đáo vẹn tuyền,

Con đường Phật Đạo, chủ chuyên phá mờ.

Đừng đem lười biếng ngăn mơ,

Đừng vì Ngã Chấp, làm mờ  Chân Như.

Mỗi câu Phật Pháp văn từ,

Đều trong Diệu Dụng của Từ. Thế Tôn

Tinh Tiến căn bản lưu tồn,

Bố Thí, Trì Giới Thánh Tôn đều dùng.

Nhẫn Nhục, Thiền Định thung dung,

Phá mê, giải chấp, Đạo Trung thực hành.

Thời trong Tam Giới tỏ ngành,

Để đem Chân Tử đến ngành Phật Tôn./.

 

 

Bậc Giác Ngộ thấy biết chúng sanh thường nhiễm, lại thường gây bệnh Nhiễm với nhau mà hứng chịu Nghiệp, nên mới tùy thuận phương tiện giúp đỡ từng căn bệnh, lại thành lập các Pháp Môn tu tập để bậc tu không trụ nhiễm mà thoát khỏi nhiễm đặng Tri Kiến Phật Tánh.

 

Bài thơ

THƯỜNG NHIỄM

Nhân sinh thường nhiễm bệnh hay lây,

Vì thế cho nên Nghiệp dẫy đầy,

Bậc trí khéo phương tìm lối giải,

Kẻ khờ vụng tính, đắm cuồng say,

Dù tu vạn kiếp trên thiên hạ,

Trót nhiễm trăm năm, uổng tháng ngày,

Nếu biết Nghiệp truyền vương mắc bệnh,

Ngã lìa Chánh Giác. Đại lương Y./.

 

 

Từ Phàm phu lên đến Phật thảy đều nương vào Công Đức thù thắng để mà trưởng thành Công Năng và Đạo Hạnh. Do đó Bậc Tu Hành nên tạo Công Đức cúng dường Như Lai.

 

 

CÔNG ĐỨC

Hỡi người Chân tử Phật Đà!

Nghìn năm Pháp Tạng trổ Hoa một lần.

Nhớ ghi Bảo Pháp cạn phân,

Siêng tu, siêng sửa, chính phần của TA.

Công Đức với Lục Ba La,

Thực hành Tứ Nhiếp, dung hòa mười phương.

Ấy là chính Pháp cúng dường,

Vào đời chung cảnh, không vương trách phiền.

Ấy là Công chịu Tròn Duyên,

Tâm hằng phủ xã là Nguyền Độ Sinh .

Vặc mắc lớn nhỏ tại mình,

Tâm suông trôi chảy phân minh Đạo Tràng . 

Đời mê lắm chuyện đa mang,

Chân Tử cỗi  giãi, cốt Hoàn Thể Tâm .

Miễn sao phá đặng Mê lầm,

Nụ cười Tôn Phật âm thầm vuốt ve .

Tạo Công hiệp Đức chung xe,

Công Đức lập đặng đường về Đông Phương.

Như vậy Chân tử cúng dường,

Tạo Công trọn Đức chính đường Báo Ân.

Bao lời ghi nhớ phân phân,

Pháp Tạng chủ yếu cốt ngần ấy thôi./.

 

 

Thay mặt ban Tu Thư, Ban Biên Tập và các nghệ sĩ chúng tôi xin NHẤT TÂM…

 

NGUYỆN HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC.

CÚNG DƯỜNG TRỌN NHƯ LAI.

HỘ PHÁP ĐỒNG ỨNG TRỰC.

TẬN ĐỘ THỜI HẠ LAI.

 

Và xin gởi đến quý vị:

LỜI CHÚC ĐẠO TÂM, THÂN TÂM THƯỜNG LẠC, VẠN SỰ AN KHƯƠNG. HỒI HƯỚNG CÚNG DƯỜNG, TRỌN THÀNH PHẬT ĐẠO.

Ban Tu Thư chúng tôi xin hẹn tái ngộ cùng Chân Phật Tử trong băng Tập Thơ Phật Đạo thứ Ba.

Mục nhập này đã được đăng trong THI THƠ. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishFrenchGermanVietnamese