LỜI THƠ PHẬT ĐẠO – TẬP 1

PHÁP TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐỨC TĂNG CHỦ TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN

LỜI THƠ PHẬT ĐẠO

BAN TU THƯ

“Ấn – Hành”

TRUNG ƯƠNG HỘI THƯỢNG

42.HỒNG – BÀNG

NHA TRANG

NAM MÔ ĐÔNG ĐỘ HIỆN GIÁC DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG NHƯ LAI

NAM MÔ VÔ THƯỢNG TÔN PHẬT

NAM MÔ HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT

NAM MÔ HIỆN THÂN TĂNG CHỦ TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN

LỜI THƠ PHẬT ĐẠO

TẬP I

 

 

TỪ Đâu Ta đến,

THỊ hiện CƯ NHÂN.

DI truyền BẢO PHÁP,

LẠC Quốc An Khương.

TÔN Giả cúng dường,

PHẬT Vương minh chứng.

 

NAM MÔ TỪ THỊ DI LẠC TÔN PHẬT

Kính thưa Quý Phật Tử,

Những câu kệ mà chúng tôi vừa trình bày được trích từ Thi Tập của ĐỨC NGÀI TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN, TĂNG CHỦ PHÁP TẠNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM.

Và trong cuốn băng này, chúng tôi xin Hồi Hướng Tam Thế cùng nương vào Công Đức Như Lai, xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị một số tác phẩm trong toàn bộ Thi Tập Phật Đạo, để tán thán Công Đức Vô Lượng của ĐỨC TỊNH VƯƠNG NHẤT  TÔN, cùng gợi lên phần nào nỗi niêm cưu mang của Bậc Chánh Giác trong thời Hạ Lai, và thi tập này được thực hiện ghi âm do ban Tu Thư Pháp Tạng phụ trách với sự cộng tác trình bày những tiếng thơ của các nghệ sĩ: Huyền Trân, Mai Hiên, Thúy Vinh và Đoàn Yên Linh, cùng tiếng đàn tranh của Thạch Cầm và tiếng sáo của Tô Kiều Ngân.

Trong thời Hiền Kiếp, ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT Y theo NHẤT TÔN, mục đích thành lập THIÊN THỪA HẠNH để Hóa Độ chỉ dạy Tứ Chúng tu tập giải quyết SANH TỬ BỆNH LÃO KHỔ, gọi là PHẬT ĐẠO.

Đến thời Hạ Lai, thời tác tạo, do bởi lòng Bi Nguyện đối với chúng sinh, ĐỨC TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN đã THỊ HIỆN để nói lên tinh thần thời Mạt Pháp là CHỈNH TRANG PHẬT ĐẠO và TẬN ĐỘ HẠ LAI. Đức Ngài thành lập NHÂN THIÊN HẠNH để Đồng Hóa Nhân Sinh, lần đưa XUẤT THẾ Pháp Môn, dụng SẮC THINH HƯƠNG VỊ XÚC PHÁP không nhiễm, Tự Tại Vô Ngại đến ĐẠI Bi TRI KIẾN GIẢI THOÁT.

Nhớ lời THỌ KÝ xưa cùng tri ân ĐỨC THẾ TÔN, Đức TĂNG CHỦ TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN đã thể hiện

 

Bài thơ:

KÍNH DÂNG ĐỨC THẾ TÔN BỔN SƯ CHÁNH BIẾN TRI

Bài Thơ BỔN NGUYỆN LỜI THI

Ngài Hiện Thể, trong thời dân nô lệ,

Tôi Hiện Thân, giữa Chánh Pháp suy đồi.

Ngài dạy bày tỏ rõ khúc nôi.

Tôi Tôn Chỉnh những gì ngỡ chấp.

Ngài Khai Thị muôn dân Tri Đạo,

Tôi thâu gồm một mối Liên Tông.

Ngài Thiên Thừa, Tạng Đảnh trường tồn,

Tôi Nhân Hạnh suy tôn Chơn Pháp.

Ngài vứt bỏ cung vàng điện ngọc,

Tôi Cư Nhân, ngang dọc trổi lên.

Ngài xây thành Tam Bảo vang rền,

Tôi đưa Sinh Chúng bấp bênh trở về.

Ngài trao Chân Lý đề huề,

Tôi vạch Bảo Pháp tỉ tê tận tường.

Ngài ban chung khắp Tình thương,

Tôi lãnh lời Nguyện an khương hôm nào.

Ngài vì Bi Dũng tối cao,

Tôi vì Chí Nguyện trước sau Lai Hoàn

Ngài Thân Kim Sắc màu vàng

Tôi Lòng Trong suốt, kính mang Dâng Ngài.

Ngài tường. Tôi tưởng đâu hai,

Chánh Tri Sư Bổn, nào hoài Chơn Tôn.

Miễn sao phá cạnh vuông tròn,

Ngài Tôi xây đắp không còn, không chân.

Vui vui nhịp sống song đồng,

Cười, cười đôi thể, nhưng không bến bờ.

Say say Đạo diễn nào mơ,

Tôi Ngài chung họp, vốn thờ Giác Nguyên.

Bút dừng, dâng kính vẹn tuyền,

Suy Tôn Giáo Chủ, lời Nguyền Chứng Minh.

 

 

Tuyệt Mỹ thay! Đức THẾ TÔN đã từng Khai Thị “Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác”, Phật Pháp không thể tách rời thế gian mà tìm đặng sự Giác Ngộ. Do đó trong cuộc sống thường ngày, Đức Tịnh Vương vẫn luôn dạy các Chân Phật Tử Đạo Đời song tu theo vết chân Cư Nhân Hạnh.

 

 

Bài Thơ: VẾT CHÂN NGƯỜI CƯ SĨ

Người Cư Sĩ, vết chân người Cư Sĩ,

Đạo hay đời, tê tỉ sắt son.

Hiên ngang đâu há mỏi mòn,

Bên trong Bảo Pháp, ngoài choàng cư nhân.

Người Cư sĩ, nào cầu danh giả,

Lòng nhủ lòng, đồng hóa nhân sinh.

Dụng Đời để chỉ Viên Minh,

Biết chăng, chăng biết, lộ trình thế thôi.

Người Cư Sĩ, khúc nôi tường tận,

Đâu nào đâu vướng bận non sông,

Tình chung vui với nhịp đồng,

Đạo tràng khắp khắp, nói không bến bờ.

Người Cư Sĩ, vần thơ êm ả,

Nhiên như nhiên, hồn thả mười phương,

Thế nhân thuyên diễn tấm tuồng,

Đứng chung một cảnh, không vương thế tình.

Người Cư Sĩ, xây nền Chánh Pháp,

Nguyền bảo nguyền đền đáp ơn sâu,

Nên chi chẳng có danh cầu,

Miễn đem chân lý trước sau giải bày.

Người Cư Sĩ, vết chân người Cư Sĩ,

Bổn nguyện tròn chung thủy tình son,

Hai vai, một gánh không mòn,

Đạo Đời hợp nhất, trường tồn Phật Tôn.

 

HAI VAI MỘT GÁNH KHÔNG MÒN,

ĐẠO ĐỜI HỢP NHẤT TRƯỜNG TỒN PHẬT TÔN

Đó chính là Pháp Độ của Thời Đông Độ, Thời Đồng Hóa Nhân Sinh, đưa về với Chân Tôn Hiện Giác.

 

 

Sự Ấn Quyết được Tuyên Minh qua:

ẤN CHỈ I

PHÁP ĐỘ. THỜI ĐÔNG ĐỘ

Phần  Kệ:

         Tây Phương cực lạc trổ huỳnh quang,

         Đông Độ Đương Lai đã mở màn,

         Diệu dụng tương song về nhất tướng,

         Tứ loài đang diễn mộng chưa tan.

Phần Giải:

         TA đi Tây Độ tỏa huỳnh quang,

         TA lại Đông Phương vẹt bức màn,

         Hòa hợp tương sanh đồng hiện tướng,

         An khang lạc quốc trọn vinh quang.

Phần Tự Diễn:

         Ai hiểu đến TA giữa lúc nầy,

         Ráp vần, xây vận hiệp Đông Tây,

         Lời thề Vương Bảo tô nền tảng,

         Cốt vãng hồi sinh thoát đọa đày.

Phần Hóa:

         Thiên Tiên mừng rỡ vỗ tay,

         Địa Tiên ngơ ngẩn, châu mày thở than,

         Nhân Loài đi đứng ngỡ ngàng,

         Các hàng Bồ Tát cười vang vui mừng,

         Tam Giới rung chuyển tưng bừng,

         Ta ngồi Bửu Tọa, vạn tuần xinh xinh.

Phần Ấn Chỉ:

         Thế nhân cầu đạo chân thành,

         Long Hoa nào tỏ, trở thành đảo điên.

         Thân phàm Long Thọ vẹn tuyền,

         Còn Tâm, Óc, Trí của Tiên, Thánh, Thần.

         Giác toàn chính thật là Thân,

         Tại sao chưa tỉnh, phân vân nỗi gì?

         Tìm đâu? Nhìn thẳng bài thi,

         Lời TA đã ngỏ những gì Phật Ngôn.

 

 

Chư Phật ra đời có hai lối: Dụng, để hướng dẫn chỉ đạo cho chúng sinh trở về với Chân Giác.

– Một lối Không thì tất cả đều không, tiêu biểu cho phái Tu Tịnh, chủ về Tịnh để Độ.

– Một lối Có thì tất cả đều có, tiêu biểu cho phái Tu Động, chủ về Động để Giác, miễn là: TÂM KHÔNG NHIỄM TRƯỚC GIÁC HOÀN THỂ CHÂN.

 

 

ẤN CHỈ II

Ra đời để biện minh hai lối của..

DIỆU DỤNG PHẬT TÔN

Thời này TA đến chỉnh trang,

Thị Hiện Cư Nhân: Chỉ. Ấn. Hoàn, (1)

Xây hướng Đạo Đời, hoàn chỉnh pháp,

Chỉ tiêu Chánh Giác khỏi lầm than.

Phật ra đời: có hai lối Dụng,

Một lối Không, không dụng Thế Gian,

Xuất ly vạn giới vén màn,

Tâm không nhiễm trước, giác hoàn sáng soi.

Phật ra đời: có hai lối Dụng,

Lối thứ hai có dụng Nhân Gian,

Có trăm nơi. Có vạn lối nhịp nhàng,

Tâm không nhiễm trước, giác hoàn Chân Nguyên.

 

 

Hai pháp TỊNH và ĐỘNG sẽ được minh họa qua bài Thơ:

SÓNG ĐỘNG……

                             /         TÌNH MƠ……

Nói về

BỨC TRANH với anh chàng CUNG KIẾM

Một bên là bức tranh GIAI NHÂN, tiêu biểu cho Pháp Tịnh, Pháp đóng khuôn xa đời sống là Tịnh, để nhờ THA LỰC cứu độ.

Còn một bên là Anh Chàng CUNG KIẾM, tiêu biểu cho pháp ĐỘNG, Pháp vận chuyển ở thế gian là động, để TỰ LỰC TỎ GIÁC.

Bài thơ diễn xuất y như có tình tứ, nhưng chính ra hàm xúc THÁNH Ý rất cao xa.

Tranh nầy ai khéo tiểm tô?

Dáng hình Thu Thủy, mắt mơ nguyệt cầu.

Môi nàng mỉm gởi nơi đâu,

Hay là đã trọn in sâu kẻ chờ.

Ta mơ… Nàng cũng cùng mơ…

Ta đang vương cảnh, Nàng tờ giấy trinh.     

Ta thời dạo khắp lộ trình,

Nàng in lặng lẽ, tấm tình sắc son.

Ta vung cung kiếm chẳng mòn,

Chí nung với chí. Nước non hải hồ.

Ngày mai xây dựng cơ đồ,

Ta mang bút ngọc về tô tranh nàng.

Thế rồi. Trong một thời gian,

Cân đai rạng rỡ. Anh chàng hồi hương.

Con Tuấn Mã khỏi còn cương,

Bước vào bên ảnh, lòng tuồng băn khoăn.    

Lần tay lau lại bức tranh,

Chốn thì chốn cũ, chung quanh biến dời.

Tranh kia nào nói ra lời,

Mắt huyền, dáng thủy, qua thời tình xuân.

Đời vạn nẽo mấy ai đà hiểu,

Tranh xinh xinh mắc miếu trong khuôn.

Một Nhân Sinh diễn mỗi tấm tuồng,

Nào ai thanh thoát khỏi nguồn trầm mê. . .?

Kẻ kiếm cung vung tay đề thượng mã,

Thời tranh kia êm ả, liếc trời mây,

Tần Thủy Hoàng vạn lý còn đây,

Kìa Tô Vũ chăn dê nơi viễn quốc.

Dù làm người thư hùng trời đất,

Miệng thét gào bất khuất trùng dương,

Giới Môi Sinh nhân thế chỉ một đường,

Mấy ai qua khỏi tấm tuồng lầm mê. /.

 

 

Khó khăn thay! Sự nhận chân DIỆU DỤNG PHẬT TÔN thời Hạ Lai Tận Độ. Mấy ai đã hiểu, vì sao?

Vì do sự nhận định bất đồng giữa Bốn Lối:

NHÂN SANH TRÍ, TIÊN THẦN TRÍ, BỒ TÁT TRÍ cùng PHẬT TRÍ, được diễn đạt qua một số đoạn thơ trích trong

 

 

ẤN CHỈ III

DƯỚI SỰ NHẬN ĐỊNH BẤT ĐỒNG

TIÊN THẦN dùng TƯỞNG tương sanh,

NHÂN SANH có tướng trưởng thành Thông Minh.

Bồ Tát HẠNH NGUYỆN trung trinh,

Thâm nhập PHÁP GIỚI TỰ mình viên THÔNG.

PHẬT thời DIỆU DỤNG song đồng,

Tùy CĂN CƠ HÓA nói không bến bờ.

 

 

Khi đoạt đến VÔ THƯỢNG CHÁNH GIÁC Thành PHẬT thì từ lời nói đến cử chỉ thảy đều DIỆU DỤNG, thảy đều CHÁNH GIÁC không có gì khác hơn khi Chân Phật Tử thọ lãnh đặng Bảo Pháp, hóa giải đặng Mê Lầm.

 

 

Ngài tâm sự:

Thiện Chân Tử là nguồn an ủi,

PHÁP TẠNG nầy chung buổi ấm êm.

Miễn sao dưới mái gương thềm,

Chung vui Toàn GIÁC, nỗi niềm TÔI mong.

 

 

Nghe lời tâm sự của Ngài, Tứ Chúng ái kính vô cùng, không có bút mực nào kể nỗi…

Có một hôm, Ngài ngồi thư thả,

Chúng dâng trà, Ngài tả thi thơ.

Anh em Đạo Chúng chực chờ

Ngài cười vui vẻ, lặng lờ trao thi.

Chúng Tôi muốn nói những gì…

Ngài liền giải đáp bài thi vang rền.

Sáu ông đạo, sáu con tên,

Có thêm bà vợ, vang rền Thất Sơn.

Khi bấy giờ Tứ Chúng đứng lên

Đọc tuyên sáu đạo, sáu tên, thi rằng:

KHÁNH tận Nhân Sinh chẳng nói năng,

TƯỜNG chưa Minh Đạt, nổi lôi phong.

ÂN thường Vân Lệ rơi tơi tả.

OANH luyện trùng dương, khắp Tứ Phương.

XOA diệu cảnh tình, chiều nắng diệu.

THU MINH Vương Đế trổ an bang,

HIẾN thân Tam Thế, Tiên Thần chứng

Dâng quả Kim Lê, Pháp Bảo Đàn.

 

 

Chúng tôi còn nhớ Đức Ngài thường diễn cảnh từ nói TÁNH nầy qua TÁNH khác, mà mãi luôn luôn NGÀI nói đó là DIỆU DỤNG PHẬT TÁNH.

Chúng tôi mấy ai nhận lãnh được sự Diệu Dụng của Bậc Giác Ngộ, chỉ vì do Nghiệp Chủng Chúng Sanh Tánh còn quá sâu dày, cho đến nỗi các hàng Bồ Tát phải phát Đại Nguyện cầu khấn Đức Từ Phụ lưu lại Thế Gian để Hóa Độ Nhân Sinh.

 

 

Bài MÙA XUÂN GIAO HẸN  ra đời

Xuân giao hẹn, mùa Xuân giao hẹn,

Lời hứa cùng non nước bao phen,

Rượu Thiên Tiên uống hãy còn thèm,

Mà nơi Nhân Thế, Xuân đem mấy lần.

Xuân Ta hẹn, Lan vừa chớm nở,

Cúc Huỳnh Hoa, hé mở Trần Gian,

Khi Ta đi xuân đúng khải hoàn,

Lúc về nhẹ bước Thu sang lỡ làng.

Trời  Sắc Giới trang hoàng mong đợi,

Cõi  Dục Thiên hoa rải khắp nơi, 

Lọng vàng Cửu Báu rạng ngời,

Chiếc xe Thất Bảo đến nơi đợi chờ.

Xuân giao hẹn, hãy cùng Ta đến đó,

Ta mang về Thế Thọ nhân gian,

Từ đây thêm đẹp Đạo Tràng,

Khắp trong Tam Giới, hưởng tròn năm Xuân.

 

 

Tuyệt mỹ thay! Pháp Môn Đồng Hóa Nhân Sinh! Đức Đạo Sư dòng họ Từ Thị đã mang về cho thế Thế Gian sự THỌ KÝ NHÂN SINH GIAI THÀNH PHẬT ĐẠO bằng phương thức NHÂN THIÊN HẠNH giữa thời Hạ Lai, tuy khác với phương thức THIÊN THỪA HẠNH của Đức Bổn Sư thời Hiền Kiếp, nhưng Tôn Chỉ vẫn Y Nhất Tôn Như Lai Tạng của Chư Phật, mục đích đưa Bậc Tu đoạt đến Tri Kiến Giải Thoát.

 

 

Trong Mùa VÍA ĐỨC THÍCH CA THÀNH ĐẠO

ĐỨC NGÀI tâm sự..

CUNG NGHINH

Chân Nguyên nay sắp vãn hồi,

Cung nghinh mồng tám thêm trồi mười ba.

Tân Hợi Tạng trổ Phật Đà,

Thiên Nhân đồng hóa diệu hòa muôn phương.

Dưới chân Phật Đảnh chân thường,

Pháp Tạng Hội Thượng đương trương mình Rồng.

Để trao tuyệt đối Chân Không,

Kính dâng Sư Bổn lòng trong suốt lòng.

Xin Ngài Chứng Thị Diệu Đồng,

Hợp Minh Tây Cảnh Lạc Tôn Chung Thường.

Cũng ngày mồng tám phương phương,

Là ngày mồng tám vỡ nguồn trầm mơ.

Tạng Chân Bảo Pháp đón chờ,

Cung nghinh Tam Thế, vần thơ dâng Ngài.

 

 

Nhớ đến lời Thọ Ký của Đức Bổn Sư, nhớ đến sự nghiệp Bảo Trì Chánh Pháp của Chư Tổ, ngày hôm nay Đức Ngài lại nối tiếp Chân Truyền Nhất Tôn, chỉnh trang đường lối tu hành giữa thời Hạ Lai Đồng Độ.

 

 

Bài Thơ:

NHỚ LỜI CHÂN TÔN

Bày tỏ phần nào nỗi niềm cưu mang đó…

Ngày xưa Hoàng Nhẫn mở đề thi,

Suốt thấu Tâm Minh có những gì ?

Lục Tổ Viên Thông không vướng mắc,

Huệ Năng Chánh Giác lãnh Chân Y.

Hôm nay Pháp Tạng Hạ Lai truyền,

Khắp chốn vẹn vừa Duyên với Duyên,

Tận Giác Có Không, thông Nhất Trí,

Minh Tâm Như Tánh đẹp Chân Truyền.

Quý thay lời dặn Thế Tôn,

Nguyền xưa năm ấy vẫn còn nhớ đây.

Thời Hạ Pháp khó đắp xây,

Chứng Tu,Tu Chứng dẫy đầy khó phân.

Nghiệp Ma thọ ngã nhiều phần,

Chân Tông Mật Nguyện làm cân đo lường.

Bấy giờ tận tận tỏ tường,

Chứng tu rè rụt vấn vương thế tình.

Tu chứng Đức Trí Quân Minh,

Lòng trinh Vô Ngại không mình vì ai.

Trọn nguyền rạng rỡ Nguyên Đài,

Lìa danh, chẳng lợi, đâu nài Thế Nhân.

Miễn sao Chân thiện hoàn Chân,

Đưa nguồn Bảo Pháp chung ngân cúng dường.

Tôi biết đương thời khó đắp xây,

Hạ Lai Thượng Kiếp lạc Đông Tây,

Vạn ngàn Hoa Pháp hoa vương vấn,

Tạng rõ lầm mê, giải đọa đày.

Tôi biết rằng Tôi chịu sớm chiều,

Nhớ tình năm cũ trọn tiêu diêu,

Chân Ngôn còn nhớ môi Kim Ngọc,

Ngài nói những gì, nói quý yêu.

Tôi biết Tình Tôi khó tỏ tình,

Bởi thời Hạ Pháp diễn liêu linh,

Nhân Sinh nào hẳn Hoàn Hoa Giác,

Chỉ trải lòng Tôi một Lộ Trình./.

 

 

Sống làm người, Bậc biết dụng Tâm giải Nghiệp, biết sửa Tánh tâm Chơn, tông trọng Phẩm Giá, nâng Chủ Thể và Chủ Tánh trường tồn Thánh Xuất, chính là bậc có Nhân có Trí, nương theo vết chân Bồ Tát, từ chúng sanh trưởng thành Thánh Xuất. Đó là lời Thọ Ký và Khuyến Tu trong bài

 

 

THỜI HIỆN KIẾP

Bao nhiêu năm tháng bấy nhiêu ngày,

Thế sự nhân tình quá đổi thay,

Muôn mặt triệu lời xuôi ngược chống,

Trăm đường vạn nẻo biết sao đây ?

LÀM NGƯỜI KHÓ GỠ CAO THIÊN HẠ,

THÁNH XUẤT NAN KHAI CHÍNH NGHĨA HAY,

Nếu biết chuyện đời chưa giải nổi,

Tu Thân hiện Kiếp thoát châu mày.

Thời Hiện Kiếp, đương thời Thánh xuất,

Càng lầm than các bậc khôn ngoan,

NHÂN TRÍ NHÂN biết sống huy hoàng,

Chung cùng thế hệ vẹn toàn đâu vương ?

Thời Hiện Kiếp, bước đường thực tại,

Hưởng vị Đời, thấu rõ Dại Khôn,

Cứ mặc nhiên suy tưởng bảo tồn,

Nơi trừu tượng chưa khôn như thiên hạ.

Chỗ Đắng Cay, nhận chân nhiều mới lạ,

Nơi Ngọt Bùi, cặn bã của triền miên,

Kẻ vô nhân ngỡ đủ vẹn tuyền,

Khúc tan rã chưa điên vẫn dại.

NHÂN TRÍ NHÂN duyệt qua từng thời đại,

Mình chính mình lẽ phải an nhiên,

Thân Tâm không trách oán phiền,

Vào đời vui cảnh thoát miền Thế nhân./.

 

 

Thời THƯỢNG KIẾP cùng HẠ LAI, sự thuyên diễn tấm tuồng tuy khác nhau, nhưng TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH thảy đều giống nhau, thảy đều công dụng TÌNH DUY NHẤT PHẬT LỰC để cứu độ chúng sanh.

 

 

Bài THƠ

TÌNH

Tình CHUNG chung TRỌN khắp nơi nào,

Tình NGUYỆN thêm chi dạ núng nao,

Tình sẵn nghìn thu vô chiến bách,

Tình vương vạn kiếp mộng Anh Đào,

Tình THÂM HÀNH DỤNG CHÂN NHƯ THỦ,

Tình THỨC NHƯ LAI MẬT ẤN TRAO,

Tình ấy khôn phương Sinh Chúng hướng,

Tình chi một nẻo cánh bèo xao./.

 

 

Chư Phật thì công dụng TÌNH DUY NHẤT PHẬT LỰC để cứu độ chúng sanh, còn chúng sanh thì nghiệp chủng, nghiệp lực trì kéo quá nặng nề, sự mâu thuẫn gay go giữa PHẬT LỰC và NGHIỆP LỰC đó nào ai cảm thấu, cho đến nỗi Đức Ngài phải tự thán rằng: “DÙ NHÂN SINH CÓ BẠC ĐÃI TA CHĂNG, TA VẪN ĐƯA CON NGƯỜI GIÁC NGỘ”

Nực cười thay cho BỔN NGUYỆN ĐỒNG SINH!

Đích chung một lối diễn tuồng hai phương…

 

 

CẢM THI

TRUNG THU, năm ĐINH TỴ.

Chí Tôn. Ngài thấu chăng Ngài,

Thượng Sanh. Hạ Kiếp diễn hai thứ tuồng.

Ngài Thái Tử triệu đời vang tiếng,

Tôi Cư Nhân bốn biển nào hay,

Bên vai Bao Đãy ăn mày,

Chung thời một hướng, phơi bày hai phương.

Nói ra thiên hạ xem thường,

Nào ai đã hiểu con đường ĐỒNG SINH.

Thời HẠ KIẾP sống mông mênh,

THƯỢNG SANH tuy thế dân tình ấm êm.

HẠ KIẾP điên đảo sanh phiền,

Phần TÔI gánh chịu lời nguyền hạ lai.

Sức kiệt sức. Gối vùn vai,

Chí còn vận chuyển PHẬT ĐÀI còn xây.

Làm xong dân chúng sum vầy,

Bóng này đã khuất. Đông Tây khó tìm.

Nhắn lời. Tôi chẳng nói thêm,

ẤN CHỈ TƯ. BẢO PHẨM CHÂN TRUYỀN NHẤT TÔN.

Khuyên Phật Tử khéo bảo tồn,

Còn Non bảo vật, nước còn trơ trơ.

Còn tình Chân Tử đón chờ,

Thời còn Hiện Thể giải mơ phá lầm.

Trăm năm Ta nhớ trăm năm,

Lời thơ Cảm Thán. Trăng rằm trung thu./.

 

 

Mấy ai trực ngộ đặng Nghiệp Chủng MÊ LẦM của chúng sanh, cũng vì sự mê lầm mà con người đã xa rời BẢN GIÁC quý báu, xa rời CHÂN LÝ THỰC TIỄN, biết được Vô Minh bao trùm Từ Loài, ĐỨC NGÀI chạnh lòng tự thán trong bài thơ…

 

 

TÌNH THI TỰ THÁN!

SOI GƯƠNG

Soi gương lặng lẽ nhìn gương,

Thân hình thay đổi, vốn thường Thế Nhân.

Tuy vẫn biết đôi phần ái ngại,

Tuyết phong sương, nào phải do Ta,

Sớm mai rồi đến chiều tà,

Dù cho Phật Thánh … trải qua nẻo này!

Nhìn non nước, vơi đầy sương đọng,

Gợi tâm tư thêm bận đồng sanh,

Bao nhiêu năm tháng long lanh,

Thời bao khúc giải nơi lòng Phật Vương.

Hôm nay nhìn đến tấm gương,

Chớm tình quê cũ, in tuồng tái tê…

Nhớ lại thời xưa, đã quá xưa,

Tấm thân nào phải mảnh trăng thừa,

Hình hài Bạch Ngọc, da Hồng Cẩm,

Đứng trước triệu dân cung thỉnh thưa.

Ta chẳng phải vì vua trong một nước,

Cũng không làm Bá Tước, Hầu Vương,

Quyền Uy siêu đẳng bất nhường,

Trang Nghiêm Quốc Độ, Phật thường tới lui.

Thời Hạ Thế, ngụt ngùi đôi nẻo,

Kiếp Đương Lai, thắc thẻo hai nơi,

Đưa tay nâng đở Đạo Đời,

Chung Tôn đồng Giác, chính lời Chúc ngôn.

 

 

Bậc tu muốn TRI KIẾN GIẢI THOÁT phải nương theo TÂM PHÁP không hai, nhìn bên ngoài để tự soi tỏ biết bên trong làm cho thân tâm thỏa mãn với ngoại cảnh không mắc miếu. Lấy bên trong để so bên ngoài làm cho TỰ TÁNH BÌNH ĐẲNG Thân Tâm được cổi giải nhẹ nhàng. Đứng Bên Lề Tâm Pháp, Bậc đã Sở Đắc CHÂN THƯỜNG muốn bày tỏ niềm tâm sự trong

 

Bài THƠ:

BÊN LỀ TÂM PHÁP

Ngồi xích lại đây!

Tôi chỉ vùng mây che mảnh Trăng,

Chỉ Sao nho nhỏ nháy tênh tăng,

Chỉ đồi rong phủ bên rừng thẳm,

Chỉ sóng lô nhô mặt nước nhăn.

Tôi nói những gì ai biết chăng ?

Nói bờ sông lặng có cô Hằng,

Trăm hoa chen lá nương mùi gió,

Duy chỉ mình Tôi đã viếng thăm.

Tôi nghĩ những gì ai hiểu không ?

Nghĩ nơi vạn nghĩ, nghĩ nơi lòng,

Nghĩ đường Thiên Trúc xa bao dặm?

Mà Tổ Bồ Đề gánh chữ Không.

Hãy xích lại đây Tôi chỉ cho,

Chỉ Tâm lầm lộn chịu thăm dò,

Nên hình Tam Thế là Tâm Pháp,

Nếu rõ toàn tâm khỏi đắn đo.

Pháp Tâm diễn khắp khắp phương phương,

Lầm bỏ lấy không lạc Vô Thường,

Bằng thấu trăm nơi Tâm vốn Pháp,

Chung gồm duy nhất, đắc Chân Thường.

 

 

Đêm đêm, khi trời trong gió mát, dưới ánh Trăng Thu lơ lững bên rặng trúc mềm đong đưa theo làn gió nhẹ, tiếng gió vi vu như phảng phất đó đây hồn Thơ của muôn thuở. Đức Tịnh Vương, Vị Thiền Sư nhẹ cảm đứng nhìn đám mây bay đang vuốt nhẹ ánh trăng thanh như muốn gởi Tâm Tình đi vạn nẻo trong

 

Bài THƠ:

TA ĐỨNG NHÌN MÂY

Đêm nay Ta đứng nhìn mây,

Trúc mềm buông rủ. Trăng gầy lửng lơ.

Nghìn sao vun vút tỏ mờ,

Hồn chung vạn nẽo, lời thơ Tâm Tình. 

Dù cho Phật Thánh, hiện thân, sinh.

Đâu khác như Ta diễn lộ trình

Vẫn một sớm chiều man mác tính

Do lòng ĐỒNG HÓA hợp duyên trinh.

Ta đứng nhìn mây ý mộng vàng

Thời xưa Chư Tổ vẫn cưu mang

Nhân sinh vạn tướng hồi Như Tướng

Cốt tỏ Nguyên Chân rõ Niết bàn .

Dù rằng : Phật Thánh đến Phàm Phu

Chưa thấu Duyên Căn vẫn mật mù

Bổn Thể xoay vần Hoa Pháp Tính

Chẳng thông phân tách, kém duyên tu.

Hôm nay hiệp cảnh trời mây,

Tâm tình Chư Tổ vơi đầy đồng sinh.

Mấy ai thấu rõ chính mình,

Của Như Lai dụng, hiện hành Pháp Thân.

Lòng vàng, lòng trổi chuông ngân,

Mùa thu gợi nhớ vẹn phần xinh xinh./.

 

 

Sau khi GIÁC NGỘ, còn người rất nhẹ cảm, trở nên bình dị cảm thông với Tứ Loài, hòa đồng theo nhịp sống của Vũ Trụ và Nhân Sinh. Thu qua, Đông đi rồi Xuân lại đến, Thiền Sư muốn gởi hồn thơ đi khắp nẻo để thay cho Lời Chúc đầu năm.

 

 

Bài THƠ:

TÔI THẢ HỒN THƠ

Tôi thả hồn thơ giữa buổi Xuân,

Cúc vàng, Lan trắng đẹp bao tuần,

Phải chăng non nước Tình muôn thuở,

Nắng mới sương non ngát ý trinh.

Tôi thả hồn thơ giữa lúc này,

Những cành sen nở đẹp Đông Tây,

Gió thanh thoang thoảng hoàn trăm nẻo

Xuân đến, năm sang với tháng ngày.

Tôi thả hồn thơ gợi những gì ?

Gợi Tình Kim Cổ đẹp Thiên Y,

Nghĩ đôi bạn hữu hoa râm tóc,

Cung Chúc Tân Niên trọn Quế Chi.

Tôi thả hồn thơ để ngỏ lòng,

Tình Tôi Xuân mới đẹp song song,

Quý nương vạn quý về như quý,

Sửu thuộc tính gì ai biết không ?

Tôi thả hồn thơ gởi viếng nhau,

Còn hơn vạn thiệp sắc khoe màu,

Lòng Tôi giao cảm Tình Thiên Trúc,

Vạn Thọ Trường Xuân vốn trước sau.

Hôm nay Tôi gởi lời thơ,

Miễn sao Tứ Chúng đến bờ Giác Nguyên.

Hương thơm đâu hẳn lời Nguyền,

Trọn Tình duy nhất hợp duyên không thừa.

Trao lời Tôi nghĩ sớm trưa,

Ngày Xuân gởi đến vẹn vừa Ba Thân./.

 

 

Thời Hạ Lai, Nhân Sinh phơi bày muôn vạn lối, Ngài vẫn không quái ngại, nương theo Thế Gian để chỉ dạy cho Chân Phật Tử được TRI ĐẠO. Khi Khai Bút Tân Niên năm Đinh Tỵ, Ngài đã tâm sự trong bài:

 

 

CẢM THI ĐINH TỴ

Năm nay ăn tết sơ sài,

Sang năm ăn tết thắp vài nén hương.

Đố ai cắt nổi tình thương,

Đố ai đã tỏ con đường Nhất Tôn?

Xuân về, tết đến lưu tồn,

Bá thiên vạn triệu chỉ dồn năm nay.

Muôn dân tri đạo nào hay,

Bởi vì ganh ghét phơi bày Hạ Lai.

Ta nào quái ngại Vương Đài,

Hiện Thân Thuận Nghịch diễn hai tấm tuồng.

Đời vạn nẻo, đất trăm phương,

Phật Vương,Chư Phật một đường giác nguyên.

Dù cho Phải Trái vốn NGUYỀN,

Của NHƯ LAI DỤNG dụng vẹn tuyền Giới Sinh.

Rồi đây rạng rỡ Bình Minh,

Lời Ta tuy khuất, Anh Linh vẫn còn .

Tiếng vang thơm. Tiếng không mòn,

Đạo đời hợp nhất. Phật còn trơ trơ.

Xuân nay Ta ghép lời thơ,

Gởi ai Chân Tử, tôn thờ  tình trong./.

 

 

Với lòng ĐẠI Bi, ĐẠI TRÍ, ĐẠI NGUYỆN, ĐỨC NGÀI kiên trì vượt qua mọi bối cảnh để dìu dắt Tứ Chúng tu đến khúc KHẢI HOÀN CA giữa mùa…

 

 

XUÂN ĐẸP

Xác pháp mừng Xuân, trắng lẫn hồng,

Sân Chùa cành lá, cảnh chen bông.

Khói hương thơm tỏa, hồn Xuân thắm,

Bởi NGUYỆN khắp trùm núi với sông.

MỘT TẤM LÒNG NÀY ĐƯA VẠN CẢNH,

HAI NƯƠNG TAM THẾ GIẢI GIAO PHONG.

HẠNH dùng BI TRÍ kiên giang hộ,

TRỌN đến HOÀN CA giới vẹn ĐỒNG./.

 

 

….và đến kết thúc cuốn băng I, chúng tôi xin đọc bài Kệ…(chuông 1 tiếng)

 

 

KỶ NIỆM

ĐẠI LỄ SUY TÔN

THƯỢNG HẠ HÒA AN HẢO

SUY TÔN khai ĐẠO TRÀNG

NHẤT NGÔN TRI KIẾN PHẬT

Hoàn Tất GIẢI THOÁT MÔN.

(Chuông 1 tiếng)

 

 

Kính mời quý vị thưởng thức tiếp sang cuộn băng thứ II, sẽ đề cập nhiều vấn đề về phần GIÁO LÝ Căn Bản trên con đường TRI KIẾN GIẢI THOÁT và TÂM TÌNH của Bậc CHÁNH GIÁC.

Mục nhập này đã được đăng trong THI THƠ. Đánh dấu trang permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

EnglishFrenchGermanVietnamese